Skip Ribbon Commands
Skip to main content
 
Ngày 13/10/2023-13:46:00 PM
Hỗ trợ vốn và nhiều hơn nữa cho DN nhỏ và vừa phát triển

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 98% trong cộng đồng DN, song lại yếu về vốn và năng lực quản trị. Do đó, rất cần sự hỗ trợ từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi tắt là Quỹ) nhằm góp phần tạo nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của DN.

Tính đến ngày 30/9/2023, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

đã chấp thuận cho vayđối với 37 dự án, phương án sản xuất kinh doanh với tổng vốn 600 tỷ đồng

Tính đến 30/9/2023, Quỹ đã chấp thuận cho vay đối với 37 dự án, phương án sản xuất kinh doanh với tổng vốn 600 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% nhu cầu vốn của DNNVV thuộc đối tượng hỗ trợ gửi hồ sơ về Quỹ. Đặc biệt, riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, Quỹ đã cho vay 8 dự án, phương án sản xuất - kinh doanh với tổng số vốn giải ngân đạt khoảng 315 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm 2023 (kế hoạch là 300 tỷ đồng) và cao gấp 2 lần so với giai đoạn 3 năm trước kể từ khi Quỹ triển khai hoạt động theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty CP Đúc thép Thành Công cho biết: “Với nguồn vốn hạn hẹp, Công ty không đủ nguồn lực để đầu tư trang thiết bị hiện đại nên chỉ sản xuất được những sản phẩm đơn giản, cạnh tranh yếu. Được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ, Công ty đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao hơn, có tính cạnh tranh tốt và tiếp cận nhiều thị trường khó tính như Nhật, Mỹ”.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Quỹ đánh giá: “Các DNNVV được vay vốn từ Quỹ đã sử dụng nguồn vốn vay để triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi vay đầy đủ, đúng thời hạn đã thỏa thuận; hoạt động hiệu quả, tăng trưởng và tạo thêm việc làm cho người lao động”.

Bên cạnh hoạt động cho vay, Quỹ đã và đang triển khai các hoạt động hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV thông qua các chương trình đào tạo và hướng dẫn về quản lý tài chính, lập kế hoạch kinh doanh và phân tích rủi ro khi tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Quỹ cũng xây dựng mối quan hệ đối tác với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để cung cấp thêm nguồn lực và thông tin hỗ trợ cho DNNVV.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP, ngày 6/10/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP nhằm tạo sự thống nhất và tạo thuận lợi để hỗ trợ tài chính, tăng cường năng lực kịp thời cho DNNVV.

Về lãi suất, thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Quỹ đã công bố mức lãi suất cho vay mới. Theo đó, từ ngày 4/10/2023, lãi suất cho vay ngắn hạn là 1,2%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn là 4,4%/năm. Đây là mức lãi suất cho vay rất thấp so với lãi suất trên thị trường với hy vọng sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để có thể vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh một cách bền vững.

“Trong thời gian tới, với phương châm "Đồng hành cùng phát triển", Quỹ phấn đấu triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chủ động hỗ trợ, chia sẻ và đồng hành cùng các DNNVV nhằm tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn, phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Phan Thanh Hà cho biết.

Quỹ sẽ tích cực phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai hiệu quả hoạt động cho vay như: rà soát, rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ cho vay, đẩy thêm nguồn vốn đến DN; đẩy mạnh truyền thông nhằm giới thiệu rộng hơn chương trình hỗ trợ DNNVV của Quỹ; chủ động hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ tốt hơn cho các hoạt động của Quỹ.

Bên cạnh việc đẩy mạnh cho vay, hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV, Quỹ tiếp tục tăng cường hoạt động hậu kiểm, giám sát qua hồ sơ và giám sát tại thực địa tình hình sử dụng vốn vay, bảo đảm việc sử dụng vốn vay của Quỹ đúng mục đích, hiệu quả, an toàn vốn.

Ở khía cạnh khác, năng lực nội tại của DNNVV rất hạn chế. Theo đó, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong tổ chức thực hiện chính sách đóng vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu hỗ trợ khối DN này.

"Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) được thành lập ngày 17/4/2013 theo Quyết định số 601/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế, Quỹ đi vào hoạt động từ năm 2016 sau khi kiện toàn bộ máy tổ chức. Đến tháng 7/2019, Quỹ hoạt động theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ. Theo đó, SMEDF là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách với vốn điều lệ tối thiểu 2.000 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, không vì mục tiêu lợi nhuận."

Nguồn: Báo Đấu thầu

    Tổng số lượt xem: 2040
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)